Hạch toán tài khoản 214 – hao mòn tài sản cố định

24/04/2025
4901

Tài sản cố định theo thời gian sử dụng và quy trình sử dụng sẽ bị hao mòn. Để đảm bảo tính chính xác của thông tin kế toán, kế toán viên cần theo dõi khoản hao mòn tài sản cố định và hạch toán tài khoản 214 thường xuyên.

Trong bài viết dưới đây, ngoài thông tin về nguyên tắc kế toán, MISA AMIS sẽ giới thiệu chi tiết hạch toán hao mòn tài khoản cố định – Tài khoản 214 chính xác nhất.

1. Tài khoản 214 là gì? Hao mòn tài sản cố định là gì?

Tài khoản 214 là tài khoản được sử dụng trong hệ thống kế toán Việt Nam để phản ánh tình hình hao mòn và giá trị hao mòn lũy kế của các tài sản cố định (TSCĐ) trong quá trình sử dụng. Đây là một tài khoản quan trọng trong việc quản lý tài sản cố định của doanh nghiệp.

Hao mòn tài sản cố định là sự giảm giá trị của tài sản cố định qua thời gian sử dụng, do những yếu tố như hư hỏng, lão hóa hoặc sự thay đổi công nghệ. Tài sản cố định thường có tuổi thọ dài, do đó việc phân bổ chi phí hao mòn qua các kỳ kế toán là cần thiết để đảm bảo tính chính xác trong báo cáo tài chính.

2. Nguyên tắc kế toán tài khoản 214 – Hao mòn tài sản cố định

a) Tài khoản 214 được sử dụng để ghi nhận tình hình thay đổi giá trị hao mòn và giá trị hao mòn lũy kế của các tài sản cố định (TSCĐ) và bất động sản đầu tư (BĐSĐT) trong suốt quá trình sử dụng, bao gồm việc trích khấu hao các tài sản này và những khoản tăng hoặc giảm hao mòn khác.

b) Theo nguyên tắc, tất cả các TSCĐ và BĐSĐT cho thuê liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả những tài sản chưa sử dụng hoặc không cần dùng, hoặc đang chờ thanh lý) đều phải được trích khấu hao theo quy định pháp luật hiện hành.

  • Khoản khấu hao của TSCĐ dùng trong sản xuất, kinh doanh và BĐSĐT sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trong khi khấu hao các TSCĐ chưa sử dụng hoặc chờ thanh lý sẽ được hạch toán vào chi phí khác.
  • Các trường hợp không cần trích khấu hao (ví dụ như TSCĐ dự trữ, TSCĐ dùng chung cho xã hội) sẽ được xử lý theo quy định pháp luật. TSCĐ sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, dự án hay mục đích phúc lợi sẽ không tính khấu hao vào chi phí sản xuất, kinh doanh, mà chỉ ghi nhận hao mòn và giảm nguồn hình thành tài sản.

c) Doanh nghiệp phải căn cứ vào các quy định pháp lý và yêu cầu quản lý nội bộ để lựa chọn phương pháp khấu hao phù hợp với từng loại TSCĐ và BĐSĐT, sao cho việc thu hồi vốn được tối ưu và đầy đủ.

Phương pháp khấu hao áp dụng cho mỗi tài sản cần phải được thực hiện đồng nhất và có thể thay đổi nếu có sự thay đổi đáng kể trong cách thức thu hồi lợi ích kinh tế của tài sản đó.

d) Vào cuối mỗi năm tài chính, doanh nghiệp cần đánh giá lại thời gian khấu hao và phương pháp khấu hao của TSCĐ. Nếu ước tính về thời gian sử dụng tài sản thay đổi nhiều so với trước, thời gian khấu hao cần được điều chỉnh phù hợp. Phương pháp khấu hao có thể thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể về cách thức thu hồi lợi ích kinh tế của tài sản, và điều này phải được điều chỉnh trong chi phí khấu hao của năm hiện tại và các năm tiếp theo, đồng thời phải được thuyết minh trong báo cáo tài chính.

e) Đối với những TSCĐ đã trích khấu hao hết (đã thu hồi đủ vốn), nếu tài sản vẫn còn tiếp tục sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, không cần trích khấu hao thêm.

  • Nếu TSCĐ chưa thu hồi đủ vốn mà bị hư hỏng hoặc cần thanh lý, phải xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xử lý bồi thường. Phần giá trị chưa thu hồi của tài sản sẽ được bù đắp từ số tiền thu được từ việc thanh lý tài sản đó.
  • Nếu số tiền thu từ thanh lý và bồi thường không đủ để bù đắp phần giá trị còn lại, chênh lệch sẽ được ghi nhận là tổn thất và hạch toán vào chi phí khác.
  • Đối với doanh nghiệp Nhà nước, xử lý sẽ theo các chính sách tài chính hiện hành.

f) Đối với TSCĐ vô hình, khấu hao được tính từ khi tài sản được đưa vào sử dụng, căn cứ vào hợp đồng, cam kết hoặc quyết định có thẩm quyền. Đối với quyền sử dụng đất, chỉ trích khấu hao nếu có xác định thời gian sử dụng, nếu không xác định được thời gian sử dụng thì không trích khấu hao.

g) TSCĐ thuê tài chính cũng phải được trích khấu hao trong suốt thời gian thuê, theo hợp đồng thuê, và tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn.

h) Đối với BĐSĐT cho thuê, khấu hao cũng phải được thực hiện và ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ. Doanh nghiệp có thể dựa vào các TSCĐ tương tự để ước tính thời gian và phương pháp khấu hao phù hợp. Tuy nhiên, nếu BĐSĐT chỉ chờ tăng giá và không có ý định sử dụng trong sản xuất, khấu hao sẽ không được trích và tổn thất do giảm giá trị sẽ được ghi nhận.

3. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 214 – Hao mòn tài sản cố định

Bên Nợ Bên Có
Ghi nhận giá trị hao mòn giảm của tài sản cố định (TSCĐ) và bất động sản đầu tư (BĐSĐT) do các trường hợp thanh lý, nhượng bán, điều động tài sản cho doanh nghiệp khác hoặc góp vốn đầu tư vào đơn vị khác. Ghi nhận giá trị hao mòn tăng của TSCĐ và BĐSĐT do trích khấu hao trong kỳ.

Số dư bên Có: Phản ánh giá trị hao mòn lũy kế của TSCĐ và BĐSĐT còn lại trong doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Tài khoản 214 – Hao mòn TSCĐ có 4 tài khoản cấp 2:

Tài khoản 2141 – Hao mòn TSCĐ hữu hình: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ hữu hình trong suốt quá trình sử dụng, bao gồm việc trích khấu hao và các khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ hữu hình.

Tài khoản 2142 – Hao mòn TSCĐ thuê tài chính: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ thuê tài chính trong suốt quá trình sử dụng, bao gồm việc trích khấu hao và các khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ thuê tài chính.

Tài khoản 2143 – Hao mòn TSCĐ vô hình: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ vô hình trong quá trình sử dụng, bao gồm việc trích khấu hao và các khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ vô hình.

Tài khoản 2147 – Hao mòn bất động sản đầu tư: Phản ánh giá trị hao mòn của BĐSĐT được doanh nghiệp cho thuê trong hoạt động kinh doanh của mình.

4. Sơ đồ chữ T tài khoản 214

5. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

5.1. Hướng dẫn hạch toán

a) Định kỳ trích khấu hao TSCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí khác:

Khi trích khấu hao TSCĐ, ghi:

Nợ các TK 623, 627, 641, 642, 811

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp).

b) TSCĐ sử dụng hoặc nhận được do điều chuyển trong nội bộ doanh nghiệp:

Khi TSCĐ được điều chuyển giữa các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá)

Có các TK 336, 411 (giá trị còn lại)

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2141) (giá trị hao mòn).

c) Định kỳ tính và trích khấu hao BĐSĐT cho thuê hoạt động:

Khi trích khấu hao BĐSĐT cho thuê hoạt động, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147).

d) Giảm TSCĐ, BĐSĐT:

Trường hợp giảm TSCĐ, BĐS đầu tư thì đồng thời với việc ghi giảm nguyên giá TSCĐ phải ghi giảm giá trị đã hao mòn của TSCĐ, bất động sản đầu tư (xem hướng dẫn hạch toán các TK 211, 213, 217).

đ) Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án:

Khi tính hao mòn TSCĐ vào cuối năm tài chính, ghi:

Nợ TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ.

e) Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động văn hoá, phúc lợi:

Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động văn hoá, phúc lợi, khi tính hao mòn vào thời điểm cuối năm tài chính, ghi:

Nợ TK 3533 – Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ.

g) Thay đổi phương pháp và thời gian khấu hao TSCĐ:

Khi có sự thay đổi trong phương pháp hoặc thời gian trích khấu hao:

  • Nếu mức khấu hao TSCĐ tăng so với số đã trích trong năm, ghi:

Nợ các TK 623, 627, 641, TK 642 (số chênh lệch khấu hao tăng)

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp).

  • Nếu mức khấu hao TSCĐ giảm, ghi:

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp)

Có các TK 623, 627, 641, 642 (số chênh lệch khấu hao giảm).

h) Kế toán giá trị TSCĐ hữu hình khi xác định giá trị doanh nghiệp:

Căn cứ vào hồ sơ xác định lại giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp điều chỉnh lại giá trị TSCĐ hữu hình theo nguyên tắc sau:

  • Chênh lệch tăng giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Có TK 412
  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản;
  • Chênh lệch giảm giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Nợ của TK 412
  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản và phải chi tiết khoản chênh lệch này theo từng TSCĐ.

Cụ thể cho từng trường hợp ghi sổ như sau:

  • Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị tăng so với giá trị ghi sổ, ghi:

Nợ TK 211 – Nguyên giá TSCĐ (phần đánh giá tăng)

Có TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (giá trị tài sản tăng thêm)

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (phần đánh giá tăng).

  • Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị giảm so với giá trị ghi sổ, ghi:

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (phần đánh giá giảm)

Nợ TK 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản (phần giá trị tài sản giảm)

Có TK 211 – Nguyên giá TSCĐ (phần đánh giá giảm).

Doanh nghiệp trích khấu hao TSCĐ theo nguyên giá mới sau khi đã điều chỉnh giá trị do đánh giá lại. Thời điểm trích khấu hao của TSCĐ được đánh giá lại khi xác định giá trị doanh nghiệp của công ty cổ phần là thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành công ty cổ phần.

i) Trường hợp cổ phần hóa đơn vị hạch toán phụ thuộc:

Khi bàn giao TSCĐ cho công ty cổ phần, căn cứ vào biên bản bàn giao tài sản, các phụ lục chi tiết về tài sản bàn giao cho công ty cổ phần và các chứng từ, sổ kế toán có liên quan, kế toán phản ánh giảm giá trị tài sản bàn giao cho công ty cổ phần, ghi:

Nợ TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu (giá trị còn lại)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (phần đã hao mòn)

Có các TK 211, 213 (nguyên giá).

5.2. Ví dụ cụ thể về hạch toán tài khoản 214

Ngày 01/04/2021 công ty A mua 1 TSCĐ mới, giá 239 triệu đồng, chiết khấu mua hàng 4 triệu đồng, chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử tổng hết 5 triệu đồng, thanh toán hết bằng tiền gửi ngân hàng. VAT 10%

Biết, tuổi thọ của TSCĐ là 13 năm, thời gian trích khấu hao 10 năm. Tài sản sau mua về được chuyển tới bộ phận sản xuất sử dụng (ngày 01/04/2021 chuyển giao).

Yêu cầu: Định khoản nghiệp vụ trên

Biết Công ty A áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 200, trích khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng.

Hướng dẫn hạch toán:

Xác định nguyên giá tài sản cố định:

Nguyên giá TSCĐ = 239 – 4 + 5 = 240 triệu đồng

Mức trích khấu hao trung bình hàng năm:

Mức trích khấu hao trung bình hàng năm = 240 / 10 = 24 triệu

Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng:

Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng = 24 / 12 = 2 triệu

Kế toán viên hạch toán:

  • Ngày 01/04/2021, khi mua tài sản về kế toán viên hạch toán:

Nợ TK 241: 240.000.000

Nợ TK 133: 24.400.000

Có TK 112: 264.400.000

  • Khi bàn giao cho bộ phận sản xuất sử dụng, kế toán viên hạch toán:

Nợ TK 211: 240.000.000

Có TK 241: 240.000.000

  • Hàng tháng kế toán viên thực hiện hạch toán phần trích khấu hao TSCĐ vào cuối tháng (bắt đầu thực hiện vào tháng 4 vì tháng 4 mới chuyển giao sang bộ phận sử dụng):

Nợ TK 627: 2.000.000

Có TK 214: 2.000.000

Thực hiện trích khấu hao đến khi TSCĐ hết thời gian trích khấu hao, hoặc trong quá trình sử dụng có sửa đổi, nâng cấp, đánh giá lại TSCĐ thì phải tính toán lại mức trích khấu hao.

6. Quy định mới về tính hao mòn tài sản cố định

6.1 Quy định về khung thời gian tính hao mòn

Thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn của tài sản cố định trong cơ quan nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 13 Thông tư 23/2023/TT-BTC, với các quy định như sau:

Thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định hữu hình:

Thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định hữu hình thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 23/2023/TT-BTC; trừ các trường hợp sau:

a) Tài sản cố định hữu hình sử dụng ở địa bàn có điều kiện môi trường đặc biệt:

Nếu tài sản cố định được sử dụng tại khu vực có điều kiện thời tiết hoặc môi trường tác động đến mức độ hao mòn của tài sản, cần điều chỉnh thời gian và tỷ lệ hao mòn tài sản sao cho phù hợp.

Việc điều chỉnh tỷ lệ hao mòn tài sản cố định không được tăng hoặc giảm quá 20% so với tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục số 01.

Các quyết định điều chỉnh này sẽ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa ra.

b) Tài sản cố định nâng cấp hoặc mở rộng:

Khi tài sản cố định thay đổi nguyên giá do nâng cấp hoặc mở rộng theo dự án đã được phê duyệt, thời gian tính hao mòn tài sản cố định tính như sau:

Thời gian tính hao mòn tài sản cố định = Thời gian sử dụng tài sản trước khi thay đổi nguyên giá + Thời gian hao mòn còn lại sau khi nâng cấp hoặc mở rộng.

Trong đó:

  • Thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản sau nâng cấp, mở rộng = ( Nguyên giá của TSCĐ sau khi thay đổi – Số hao mòn lũy kế, khấu hao đã trích của TSCĐ tính đến ngày 31/12 của năm thay đổi nguyên giá) : Mức hao mòn hàng năm của tài sản từ năm thay đổi nguyên giá xác định.

c) Tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng:

Đối với tài sản bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng, hoặc các tác động đột xuất khác, thời gian tính hao mòn TSCĐ được tính như sau:

Thời gian tính hao mòn TSCĐ = Thời gian đã sử dụng tài sản trước khi thay đổi nguyên giá + Thời gian tính hao mòn còn lại sau khi tài sản được đánh giá lại.

d) Điều chỉnh nguyên giá tài sản cố định:

Trường hợp chưa hết thời gian tính hao mòn: Nếu năm điều chỉnh thay đổi nguyên giá chưa hết thời gian tính hao mòn theo quy định, thời gian tính hao mòn sẽ kéo dài đến năm mà giá trị còn lại của tài sản tại ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề nhỏ hơn hoặc bằng mức hao mòn hàng năm của tài sản.

Trường hợp đã hết thời gian tính hao mòn: Nếu năm điều chỉnh thay đổi nguyên giá đã hết thời gian tính hao mòn của tài sản, cộng thêm một năm vào thời gian tính hao mòn để xử lý phần giá trị tăng hoặc giảm do điều chỉnh nguyên giá tài sản.

Tải xuống Phụ lục số 01 tại đây

Thời gian và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định danh mục, thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn của tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương hoặc địa phương, theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục số 02 của Thông tư 23/2023/TT-BTC .

Thời gian tính hao mòn của tài sản cố định vô hình không thấp hơn 04 năm và không cao hơn 50 năm.

Trong trường hợp cần thiết, nếu thời gian tính hao mòn tài sản cố định vô hình dưới 04 năm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định cụ thể sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ quản lý chuyên ngành có liên quan.

Tải xuống Phụ lục số 02 tại đây

6.2 Các loại TSCĐ không tính hao mòn, khấu hao

Căn cứ theo khoản 3, Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BTC, các loại tài sản cố định không phải tính hao mòn, khấu hao bao gồm:

  • Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản, theo quy định tại Điều 100 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
  • Tài sản cố định đặc thù quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Thông tư 23/2023/TT-BTC
  • Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được bao gồm cả tài sản cố định của đơn vị sự nghiệp công lập nhận được sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết.
  • Tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.

6.3. Căn cứ xác định tài sản cố định

Theo Điều 3 của Thông tư 23/2023/TT-BTC, các tiêu chuẩn để xác định tài sản là tài sản cố định được quản lý, tính hao mòn, khấu hao tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cũng như tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý mà không tính là thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây

  • Tài sản phải có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên.
  • Tài sản phải có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên.

Đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản chỉ được xác định là tài sản cố định khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên.
  • Đáp ứng điều kiện về nguyên giá tài sản cố định, theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.

7. Cách tính hao mòn tài sản cố định

Việc tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán.

Đối với tài sản cố định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong năm thì việc tính hao mòn trong năm đó được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản.

Phương pháp tính hao mòn tài sản cố định được tóm tắt theo bảng dưới đây:

Trường hợp Công thức Chú thích
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản  Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định x Tỷ lệ hao mòn (% năm) Tỷ lệ hao mòn được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 đi kèm Thông tư 23/2023/TT-BTC.
Quy định về tỷ lệ hao mòn được ban hành bởi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, theo quy định tại điểm a của khoản 1 và khoản 2, Điều 13 trong Thông tư này.
Trường hợp quy định tại điểm a.2, điểm a.3 khoản 3 Điều 6, điểm a.2 khoản 3 Điều 7 Thông tư 23/2023/TT-BTC: Mức hao mòn đồng thời là số hao mòn luỹ kế của tài sản tính đến năm trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển tài sản Mức hao mòn của tài sản cố định = Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định x (Thời gian tính hao mòn của tài sản cùng loại theo quy định – Thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo quy định hoặc thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo đánh giá lại ) Thời gian tính hao mòn của tài sản cùng loại được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định thời gian tính hao mòn của tài sản cùng loại được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định
Trường hợp quy định tại điểm a.4 khoản 3 Điều 6, điểm a.3 khoản 3 Điều 7, mức hao mòn đồng thời là số hao mòn luỹ kế của tài sản tính đến năm trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển tài sản Mức hao mòn của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định – Giá trị còn lại của tài sản cố định theo đánh giá lại
Đối với tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa quy định tại khoản 5 Điều 6, khoản 5 Điều 7 Thông tư 23 Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định x Tỷ lệ hao mòn (% năm)

Riêng năm đầu tiên ghi sổ kế toán tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (năm kiểm kê phát hiện thừa): 

Mức hao mòn của năm đầu tiên ghi sổ kế toán = Mức hao mòn hàng năm x ( Thời gian hao mòn của TS cùng loại theo quy định (năm) – Thời gian tính hao mòn cón lại của TSD theo quy định hoặc thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo đánh giá lại)

Thời gian tính hao mòn của tài sản cùng loại được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 23/2023/TT-BTC
Đối với tài sản cố định đơn vị sự nghiệp được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo hình thức hình thành pháp nhân mới, tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập góp vào liên doanh, liên kết và tài sản cố định hình thành trong quá trình liên doanh, liên kết theo hình thức không hình thành pháp nhân mới quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 6 Thông tư Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định x Tỷ lệ hao mòn (% năm)

Riêng năm đầu tiên ghi sổ kế toán tại đơn vị thì mức hao mòn của tài sản được xác định theo công thức sau:

Mức hao mòn của năm đầu tiên ghi sổ kế toán = Mức hao mòn hàng năm x ( Thời gian hao mòn của TS cùng loại theo quy định (năm) – Thời gian tính hao mòn cón lại của TSD theo quy định hoặc thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo đánh giá lại) + Số hao mòn lũy kế, khấu hao đã trích của TSCĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập nếu có

Thời gian tính hao mòn của tài sản cùng loại được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 23/2023/TT-BTC
Đối với tài sản cố định có thay đổi nguyên giá thuộc trường hợp nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định sau khi thay đổi x Tỷ lê hao mòn của tài sản cùng loại (% năm) Tỷ lệ hao mòn của tài sản cùng loại được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 23/2023/TT-BTC
Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định từ năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định sau khi điều chỉnh, thay đổi x Tỷ lệ hao mòn của tài sản cùng loại (% năm) Tỷ lệ hao mòn của tài sản cùng loại được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 23/2023/TT-BTC
Trường hợp tại thời điểm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá đã hết thời gian tính hao mòn của tài sản theo quy định thì mức hao mòn của năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá Mức hao mòn hàng năm của năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá = Nguyên giá sau khi điều chỉnh – Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích tính đến năm liên trước năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá Các năm tiếp theo không phải tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định.
Đối với tài sản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư 23 Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định sau khi thay đổi / Thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo đánh giá lại
Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích của từng tài sản cố định Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích tính đến ngày 31 tháng 12 năm n = Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích tính đến ngày 31 tháng 12 năm (n-1)  +  Mức hao mòn, khấu hao tài sản cố định của năm n xác định theo quy định tại Thông tư

8. Giải đáp một số thắc mắc về tài khoản 214

– Hao mòn tài sản cố định là tài sản hay nguồn vốn?

Hao mòn tài sản cố định không phải là tài sản hay nguồn vốn, mà là sự giảm giá trị của tài sản cố định trong suốt thời gian sử dụng. Mặc dù tài khoản 214 (Hao mòn tài sản cố định) ghi nhận sự giảm giá trị của tài sản, nhưng nó không thay đổi nguyên giá của tài sản mà chỉ phản ánh mức giảm giá trị của tài sản trên sổ sách kế toán.

– Số dư tài khoản 214 ghi bên nào?

Số dư tài khoản 214 (Hao mòn tài sản cố định) thường có số dư bên có. Đây là tài khoản đối ứng với tài sản cố định, dùng để giảm giá trị tài sản trong bảng cân đối kế toán.

Số dư bên có của tài khoản 214 thể hiện tổng mức hao mòn lũy kế của tài sản cố định trong suốt thời gian sử dụng.

– Tài khoản 214 ở đâu trên bảng cân đối kế toán?

Tài khoản 214 – Hao mòn tài sản cố định sẽ được ghi nhận ở phần Giá trị hao mòn lũy kế trong mục Tài sản cố định hữu hình (Mã số 223 -226 – 229). Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại tài sản cố định hữu hình luỹ kế tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 214 “Hao mòn TSCĐ” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).

– Hao mòn tài sản cố định lũy kế là gì?

Hao mòn tài sản cố định lũy kế là tổng giá trị hao mòn của tài sản cố định được trích ra trong suốt thời gian sử dụng của tài sản đó, tính từ khi tài sản được đưa vào sử dụng cho đến hiện tại. Nó phản ánh tổng số tiền đã được trích khấu hao của tài sản cố định.
Kết luận

Phần mềm kế toán online MISA AMIS giúp kế toán hạn chế tối đa các sai sót trong công tác hạch toán kế toán, đặc biệt trong việc quản lý hàng hoá, giúp kế toán doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và công sức của kế toán viên một cách hiệu quả so với việc thực hiện các thao tác thủ công như trước đây.

  • Kế toán quản lý danh sách các TSCĐ được đưa vào sử dụng tại các phòng ban: TSCĐ nào mới được ghi tăng trong kỳ, mới được ghi giảm trong kỳ, chưa được tính khấu hao hết, đã khấu hao xong hoặc TSCĐ nào có sự điều chỉnh trong kỳ…
  • Tự động trích khấu hao cho toàn bộ TSCĐ theo từng kì, từng phòng ban, từng đối tượng sử dụng để tập hợp chi phí tính giá thành sản phẩm hoặc tự động phân bổ chi phí tính khấu bao cho từng bộ phận sử dụng để tính lãi lỗ theo bộ phận.
  • Lập chứng từ ghi giảm cho một hay nhiều TSCĐ cùng lúc, tự động định khoản bút toán ghi giảm.

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm:

Dùng thử miễn phí

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 4]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán