Cách xác định và phân tích đối thủ cạnh trạnh trong kinh doanh & marketing

15/04/2025
4321

Trong báo cáo “Top 20 lý do thất bại của Starup” có phân tích tích 101 startup thất bại, trong đó 20% được ghi nhận 20% startup thất bại do bị vượt mặt bởi đối thủ cạnh tranh. Chính vì thế việc phân tích đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh là vô cùng quan trọng. Hãy đọc ngay bài viết dưới đây để nắm vững cách xác định và phân tích đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh & marketing, giúp DN luôn đi trước một bước!

Mục lục Ẩn

1. Đối thủ cạnh tranh là gì?

Đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp sản phẩm/dịch vụ tương tự hoặc thay thế, nhắm đến cùng nhóm khách hàng mục tiêu với doanh nghiệp của bạn.

Ví dụ: Trong ngành nước giải khát, Coca-Cola và Pepsi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau. Họ liên tiếp đưa ra các chiến dịch để quảng bá tranh giành thị trường, thu hút mở rộng tệp khách hàng tiêu dùng của mình.

2. Tại sao phải phân tích đối thủ cạnh tranh

Phân tích đối thủ cạnh tranh là bước chiến lược để hiểu rõ họ, từ đó xây dựng lợi thế vượt trội trong kinh doanh và marketing. Đây không chỉ là việc “theo dõi” đối thủ mà là cách khai thác thông tin để đưa ra quyết định sắc bén, tránh rủi ro và tối ưu hóa cơ hội. Có 4 lý do chính như sau:

2.1. Xác định vị thế và điểm cải thiện

Không biết đối thủ mạnh/yếu ở đâu, Sếp dễ rơi vào tự mãn hoặc bỏ lỡ cơ hội nâng cấp. Phân tích đối thủ là cách để doanh nghiệp so sánh sản phẩm, dịch vụ và chiến lược, từ đó xác định vị trí của mình trên thị trường.

Ví dụ: Theo Harvard Business Review (2018), các công ty thường xuyên phân tích đối thủ có khả năng tăng thị phần gấp 2 lần so với những công ty không làm điều này. Chẳng hạn, khi Netflix nhận thấy Hulu cung cấp gói giá thấp hơn, họ ra mắt gói quảng cáo giá rẻ vào năm 2022, thu hút thêm 23 triệu người dùng toàn cầu chỉ trong năm đầu (theo báo cáo của Netflix, Q4 2022).

2.2. Tối ưu chiến lược marketing

Đối thủ thường “tiết lộ” cách tiếp cận khách hàng hiệu quả qua chiến dịch của họ. Chính vì thế, phân tích là cách giúp doanh nghiệp học hỏi hoặc làm tốt hơn, tránh lãng phí ngân sách vào những chiến lược kém hiệu quả.

Ví dụ: Vào ngày 18 tháng 2 năm 2025, McDonald’s đã triển khai chiến dịch “CFC” (Cage-Free Chicken) tại Trung Quốc, nhằm quảng bá việc sử dụng gà nuôi thả tự do trong các sản phẩm gà của mình. Điều đặc biệt là chiến dịch này được triển khai ngay bên ngoài các cửa hàng KFC.

Ngay lập tức KFC đã phản ứng bằng cách nhấn mạnh chữ “K” trong tên thương hiệu, khẳng định chất lượng gà chiên thủ công của mình. Họ còn sử dụng các chiến thuật marketing đường phố như đặt xe quảng cáo gần cửa hàng McDonald’s và gửi nhân viên đến mời khách hàng vào cửa hàng của mình. Một trong những chiến lược đáng chú ý là việc KFC cho xe buýt mang thương hiệu của mình chạy qua trụ sở McDonald’s tại Trung Quốc, nhằm thu hút sự chú ý và tạo nên một cuộc đối đầu công khai.

2.3. Dự đoán xu hướng và giảm rủi ro

Thị trường thay đổi nhanh, và đối thủ thường là “tín hiệu sớm” cho xu hướng mới. Phân tích giúp Doanh nghiệp chuẩn bị trước, tránh bị bất ngờ bởi những thay đổi đột ngột.

Theo McKinsey (2020), 65% doanh nghiệp không phân tích đối thủ thường chậm trễ trong việc thích nghi với công nghệ mới, dẫn đến mất thị phần.

1.4. Nâng cấp sản phẩm/dịch vụ

Đối thủ thường bộc lộ điểm yếu qua phản hồi khách. Đây là dữ liệu quý để doanh nghiệp nâng cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tốt hơn và tạo sự khác biệt.

Ví dụ: Khi Grab, GoJek tung chiến dịch giao hàng nhanh nhưng không nhắc đến việc giữ nguyên chất lượng cho món ăn.  AhaMove đã phát triển dịch vụ “Siêu Tốc – Đồ Ăn”, cam kết giao hàng trong vòng 30 phút đối với đơn hàng dưới 5 km. Dịch vụ này sử dụng đội ngũ tài xế chuyên nghiệp và túi giữ nhiệt để đảm bảo món ăn đến tay khách hàng vẫn giữ nguyên độ nóng và hương vị

Phân tích đối thủ là chìa khóa để dẫn đầu, như McKinsey chỉ ra: 65% doanh nghiệp chậm đổi mới vì thiếu thông tin cạnh tranh. MISA AMIS CRM giúp doanh nghiệp lưu trữ và phân tích dữ liệu khách hàng để so sánh với đối thủ, tìm ra điểm yếu của họ. Kết hợp với MISA AMIS aiMarketing, DN tự động hóa chiến dịch để vượt qua đối thủ về tốc độ và cá nhân hóa.

Khám phá và sử dụng miễn phí bộ giải pháp Marketing – Bán hàng tại đây

Do-luong-hieu-qua-marketing-Bo-giai-phap
Tối ưu tốc độ, quy trình chăm sóc khách hàng gia tăng tỷ lệ chốt nhờ bộ giải pháp Sales – Marketing từ MISA

3. Phân tích 4 loại đối thủ cạnh tranh

3.1. Đối thủ trực tiếp (Direct Competitors)

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp là những doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành, cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự và hướng đến cùng một phân khúc thị trường. Sự cạnh tranh giữa các đối thủ trực tiếp thường rất rõ ràng và dễ nhận biết, bởi vì họ cạnh tranh trực tiếp về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, và các yếu tố marketing khác.

Các doanh nghiệp cần phải liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đổi mới công nghệ để duy trì lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trực tiếp.

Ví dụ: Toyota và Honda cạnh tranh trực tiếp với nhau bởi cả hai đều sản xuất và bán ô tô hướng đến cùng một phân khúc khách hàng.

các loại đối thủ cạnh tranh
Các loại đối thủ cạnh tranh

3.2. Đối thủ cạnh tranh gián tiếp (Indirect Competitors)

Đối thủ gián tiếp là những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ không giống hệt nhưng có thể thỏa mãn cùng một nhu cầu hoặc mục tiêu của khách hàng. Sự cạnh tranh này không rõ ràng như đối thủ trực tiếp, nhưng vẫn ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng thỏa mãn những nhu cầu đó một cách tốt nhất, từ đó giành được thị phần từ đối thủ gián tiếp.

Ví dụ: nhà hàng cung cấp món ăn nhanh cạnh tranh gián tiếp với các siêu thị bán thực phẩm sẵn có, vì cả hai lựa chọn đều nhằm mục đích cung cấp bữa ăn tiện lợi cho khách hàng.

3.3. Đối thủ tiềm ẩn (Potential Competitors)

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là các doanh nghiệp hoặc cá nhân có khả năng trở thành đối thủ trực tiếp hoặc gián tiếp trong tương lai nhưng hiện tại chưa tham gia vào thị trường. Sự xuất hiện của đối thủ tiềm ẩn thường dựa trên các yếu tố như sự phát triển của công nghệ mới, thay đổi trong quy định pháp luật, hoặc sự dịch chuyển trong nhu cầu của thị trường.

Để không bị bất ngờ bởi sự xuất hiện của các đối thủ tiềm ẩn, doanh nghiệp cần phải theo dõi sát sao các xu hướng thị trường và đổi mới liên tục.

Ví dụ: một startup công nghệ với một giải pháp đột phá có thể trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn đối với các doanh nghiệp truyền thống.

driven marketing
Driven marketing – Phương pháp đánh bại đối thủ. Tải ngay

3.4. Đối thủ là đối tác

Đối thủ cạnh tranh là đối tác, còn được biết đến với thuật ngữ “Coopetition” (sự kết hợp giữa cooperation – hợp tác và competition – cạnh tranh), là một mô hình kinh doanh trong đó các doanh nghiệp vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau trong những lĩnh vực hoặc dự án cụ thể. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế của nhau trong khi vẫn duy trì một mức độ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Mô hình đối thủ cạnh tranh này cho phép doanh nghiệp kết hợp nguồn lực, kiến thức, và chuyên môn để đạt được mục tiêu chung mà độc lập họ có thể không thực hiện được, đồng thời vẫn giữ được lợi ích cạnh tranh riêng biệt của mình.

Ví dụ điển hình là khi hai công ty công nghệ thông tin hợp tác phát triển một công nghệ mới nhưng vẫn cạnh tranh trong việc bán sản phẩm cuối cùng dựa trên công nghệ đó.

Tuy nhiên, quản lý mối quan hệ giữa cạnh tranh và hợp tác không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các doanh nghiệp cần phải rõ ràng về mục tiêu, giới hạn của sự hợp tác, và cách thức bảo vệ lợi ích của mình trong quá trình hợp tác.

Việc thiết lập các thỏa thuận bảo mật, định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên, và có cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng là cần thiết để đảm bảo mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh diễn ra một cách lành mạnh và có lợi cho cả hai bên.

CEO, Sales manager chưa ứng dụng công nghệ trong quản lý bán hàng?Tìm hiểu ngay MISA AMIS CRM

4. Các bước phân tích đối thủ cạnh tranh

Dưới đây là các bước phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả, đi kèm là các công cụ phân tích:

Quy trình nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Quy trình nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

4.1. Xác định đối thủ cạnh tranh 

Bước đầu tiên cần làm là xác định chính xác đối thủ cạnh tranh của mình, là những công ty cung cấp chung một sản phẩm/dịch vụ với doanh nghiệp mình. Cách hiệu quả nhất là nghiên cứu khách hàng mục tiêu của thị trường đó. Doanh nghiệp cần phải trả lời các câu hỏi chính như:

  • Khách hàng nghĩ đến điều gì khi họ nghĩ về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn
  • Khách hàng nhận diện được những thương hiệu nào từ một danh sách được cung cấp gồm các thương hiệu kinh doanh trong cùng lĩnh vực
  • Khách hàng thường mua hàng của thương hiệu nào
  • Các thương hiệu họ đã mua trong quá khứ (lịch sử mua hàng)
  • Các thương hiệu mà họ dự định mua trong tương lai (ý định mua hàng)

Bằng cách yêu cầu người được khảo sát trả lời theo cách của họ, doanh nghiệp có được bức tranh chân thực về các thương hiệu thuộc nhóm đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp nhận ra những thương hiệu có thể chưa biết tới hoặc không coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

4.2. Phân tích sản phẩm/dịch vụ của đối thủ cạnh tranh 

Phân tích sản phẩm/dịch vụ của đối thủ cạnh tranh là bước quan trọng trong quá trình phân tích đối thủ cạnh tranh. Sau khi xác định được đối thủ cạnh tranh, bạn có thể tiến hành thu thập thông tin về sản phẩm/dịch vụ của đối thủ, phân tích, đánh giá & so sánh, từ đó tiến hành ra quyết định.

Thu thập thông tin về sản phẩm/dịch vụ của đối thủ:

  • Trang web và tài liệu công khai: Xem qua trang web, báo cáo tài chính, bài viết, và các tài liệu tiếp thị của đối thủ.
  • Khảo sát khách hàng: Tiến hành khảo sát để hiểu ý kiến của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của đối thủ.
  • Phản hồi từ khách hàng: Đọc đánh giá và nhận xét trên các nền tảng như Google Reviews, Yelp, và các diễn đàn trực tuyến.
  • Tham gia sự kiện/ngành: Tham gia các triển lãm, hội thảo, hoặc hội nghị ngành để thu thập thông tin.

 Phân tích, đánh giá & so sánh các yếu tố quan trọng như:

  • Chất lượng: So sánh chất lượng sản phẩm/dịch vụ về hiệu suất, độ bền, và sự tin cậy.
  • Tính năng: Đánh giá các tính năng và chức năng của sản phẩm/dịch vụ.
  • Giá cả: So sánh giá bán và chính sách giá của đối thủ.
  • Dịch vụ khách hàng: Đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ khách hàng, chính sách bảo hành, và dịch vụ hậu mãi.
  • Tiếp thị và phân phối: Phân tích các chiến lược tiếp thị và kênh phân phối mà đối thủ sử dụng.

Ví dụ về bảng phân tích so sánh:

bảng phân tích so sánh
Bảng phân tích so sánh dịch vụ đối thủ cạnh tranh

4.3. Điều tra thị phần của đối thủ cạnh tranh

Bạn có thể xác định thị phần của một công ty bằng cách chia tổng doanh số bán hàng hoặc doanh thu của công ty đó cho tổng doanh số bán hàng của ngành trong một khoảng thời gian tài chính. Tip nhỏ là hầu hết các ngành công nghiệp đều có các Hiệp hội chính thức biên soạn và theo dõi dữ liệu bán hàng của ngành, cũng như có thông tin về quy mô thị trường tổng thể. Bằng cách này, bạn sẽ tìm ra thị phần của một công ty trong ngành.

Ngoài ra, theo dõi sự phát triển thị phần của một công ty cũng rất quan trọng. Một công ty duy trì thị phần của mình cũng đồng nghĩa là tăng doanh thu với tốc độ tương đương với tổng thị trường. Nhưng một công ty đang tăng thị phần sẽ tăng doanh thu nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, đây là những thông tin mà bạn cần tìm kiếm:

  • Nguồn vốn mà công ty đã nhận được
  • Đầu tư công ty đã thực hiện
  • Kế hoạch mở rộng hoặc thâm nhập vào các thị trường mới
  • Tuyển dụng mới đáng chú ý, vị trí tuyển dụng và số lượng nhân viên hiện tại
  • Hoặc bất cứ điều gì báo hiệu sự suy thoái, như dư thừa hoặc đóng cửa cửa hàng…

4.4. Tính toán phạm vi tiếp cận thị trường của đối thủ cạnh tranh

Ngoài việc hiểu thị phần của đối thủ cạnh tranh, bạn cũng cần hiểu khả năng tiếp cận thị trường của họ, nghĩa là họ có thể tiếp cận được bao nhiêu khách hàng, họ hiện có bao nhiêu cửa hàng/ chi nhánh, các khu vực phân phối sản phẩm của họ nằm ở đâu…

Đối với hoạt động bán hàng trực tuyến, thì dịch vụ hậu cần của họ như thế nào, phạm vi giao hàng của họ đến đâu, họ có vận chuyển quốc tế không, giá vận chuyển có cạnh tranh không… Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến số lượng người tiêu dùng của thương hiệu.

Ngoài ra, các điều khoản và chính sách giao hàng cũng nên được quan tâm – họ có cung cấp giao hàng miễn phí không, thời gian vận chuyển trung bình là bao lâu, họ xử lý khiếu nại từ khách hàng như thế nào… Từ đó, bạn có thể tìm ra giải pháp cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt hơn.

4.5. Tìm hiểu mức độ hài lòng của khách hàng đối với đối thủ cạnh tranh 

sự hài lòng của khách hàng
Khảo sát sự hài lòng của khách hàng

Một yếu tố chứng minh một doanh nghiệp có thành công hay không chính là sự hài lòng của khách hàng. Nhìn vào phản hồi từ khách hàng, bạn có thể biết rất nhiều điều. Nó giúp bạn hiểu lý do tại sao mọi người lựa chọn thương hiệu của đối thủ cạnh tranh, điều họ thích và không thích ở đối thủ.

Bạn có thể tìm thấy những thông tin này qua các phương tiện truyền thông, social media…. Qua đó đánh giá mức độ tích cực và tiêu cực đối của khách hàng đối với thương hiệu.

Các câu hỏi khác mà bạn có thể hỏi thông qua khảo sát người tiêu dùng về cảm nhận của mọi người đối với các thương hiệu có mặt trên thị trường như:

  • Bạn liên tưởng đến phẩm chất nào sau đây với thương hiệu X?
  • Tại sao bạn mua/ không mua sản phẩm của thương hiệu X?
  • Bạn sẽ mô tả thương hiệu X với bạn bè như thế nào?
  • Tại sao bạn ngừng mua thương hiệu X?
  • Thương hiệu X có thể làm gì tốt hơn?

4.6. Nghiên cứu chiến lược tiếp thị của đối thủ cạnh tranh

Bên cạnh nghiên cứu về thông điệp của đối thủ cạnh tranh gửi tới khách hàng, bạn nên tìm hiểu các phương pháp và kênh tiếp thị họ sử dụng để truyền tải thông điệp đó. Chúng có thể bao gồm:

  • Blog, bản tin, podcast, tài liệu download…
  • Mạng xã hội trả phí: Facebook, Tiktok, Zalo Ads, LinkedIn…
  • Tìm kiếm có trả tiền: họ đang nhắm mục tiêu từ khóa nào cho PPC / AdWords?
  • SEO không trả tiền: chúng xuất hiện ở đâu trong kết quả tìm kiếm không phải trả tiền và chúng đang sử dụng những kỹ thuật tối ưu từ khóa nào?
  • Quảng cáo hiển thị hình ảnh: quảng cáo trên các trang Web của bên thứ ba
  • Quảng cáo liên kết: họ có kế hoạch tiếp thị liên kết không?
  • Phương tiện in ấn: quảng cáo hoặc bài quảng cáo trên báo hoặc tạp chí
  • Phương tiện truyền thông: quảng cáo trên đài hoặc trên TV
  • Các mối quan hệ tài trợ và đối tác: chúng có được liên kết với bất kỳ thương hiệu nào khác không?

Quá trình này sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc chiến lược tiếp thị của đối thủ cạnh tranh, ngân sách tiếp thị được phân bổ ra sao. Từ đó tìm ra “kẽ hở” của đối thủ và tìm cơ hội phát triển nó bên doanh nghiệp bạn, học hỏi và làm tốt hơn những gì đối thủ có.

CEO, Sales manager chưa ứng dụng công nghệ trong quản lý bán hàng?Tìm hiểu ngay MISA AMIS CRM

4.7. Thăm dò nội dung (content) và phương tiện truyền thông của đối thủ

Một khâu không thể thiếu trong quá trình phân tích đối thủ cạnh tranh là kiểm tra sức mạnh các kênh truyền thông của đối thủ. Bạn cần xem họ có bao nhiêu người theo dõi trên mỗi nền tảng mạng xã hội và mức độ tương tác của chúng. Quan sát tần suất bài đăng và số lượt thích, nhận xét và chia sẻ mà họ thường nhận được.

Các câu hỏi cần được trả lời cụ thể như: Họ phát triển mạnh nhất trên nền tảng nào? Những người theo dõi của họ tương tác với loại nội dung nào nhất? Họ có đang sử dụng tất cả các tính năng trên một nền tảng, chẳng hạn như: Facebook Live, Instagram Stories hoặc Instagram TV không? Họ có bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội thông qua các dịch vụ như Instagram Shopping hay Facebook Marketplace không?

Tiếp theo, hãy xem nội dung mà đối thủ cạnh tranh xây dựng trên trang Web hay các nền tảng mạng xã hội của họ. Họ đăng bài lên blog của họ bao lâu một lần? Họ có sản xuất eBook hướng dẫn có thể tải xuống không? Tuyến nội dung họ thường xuyên dựng và phân phối như thế nào…

4.8. Kiểm tra trải nghiệm của khách hàng ở đối thủ

Cách tốt nhất để hiểu trải nghiệm khách hàng mà đối thủ cạnh tranh của bạn cung cấp là tự mình trải nghiệm. Vì vậy, hãy đóng vai một khách hàng và mua một thứ gì đó, sau đó ghi chú chi tiết về trải nghiệm của bạn:

  • Nhìn từ bên ngoài quán hấp dẫn như thế nào? Những chương trìnhkhuyến mãi mà họ đang áp dụng?
  • Những thứ được trưng bày trong cửa hàng như thế nào? Nó ngăn nắp như thế nào? Bạn đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt ra sao?
  • Phạm vi và quy mô cửa hàng như thế nào? Các nhân viên làm việc và vận hành cửa hàng ra sao? Có công nghệ nào thú vị, mới mẻ không?
  • Số lượng khách hàng và tần suất khách ra vào như thế nào? Phương thức thanh toán nào được chấp nhận? Cách đóng gói của họ có đẹp không?
  • Nếu bạn mua hàng trực tuyến, hãy để ý cách các trang Web được điều hướng và tìm thấy những gì bạn muốn, quy trình thanh toán của họ như thế nào? Hãy chú ý đến tất cả các đề xuất/ gợi ý được hiển thị và cách họ cố gắng nuôi dưỡng bạn như một khách hàng mới ra sao.

4.9. Thực hiện phân tích SWOT

Bước cuối cùng trong việc thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh là sử dụng mọi thông tin bạn đã thu thập được và thực hiện phân tích SWOT. SWOT giúp bạn ghi lại điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa của các đối thủ một cách tổng thể và khách quan.

Mô hình phân tích đối thủ cạnh tranh

5. Ví dụ về đối thủ cạnh tranh

5.1. Coca-Cola và Pepsi

  • Ngành hàng: Đồ uống giải khát (Nước ngọt)
  • Danh mục sản phẩm:

Coca-Cola: Nước giải khát có gas, các loại nước ngọt khác như Diet Coke, Coke Zero, Sprite.

Pepsi: Nước giải khát có gas, Pepsi Max, Mountain Dew, 7Up.

  • Khách hàng mục tiêu:

Coca-Cola: Người tiêu dùng mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên và các gia đình, với chiến lược kết nối cảm xúc qua các chiến dịch mang tính xã hội.

Pepsi: Tập trung vào giới trẻ, thích hợp cho những người yêu

  • Các chiến dịch truyền thông:

Trong suốt hành trình phát triển, hai ông lớn này liên tiếp có các chiến dịch truyền thông cạnh tranh, nhất là vào các dịp lễ tết.

Mới đây nhất, Coca-Cola cho ra mắt chiến dịch – “Share a Coke” (Phiên bản 2025) với phiên bản mới, nhắm đến đối tượng Gen Z. Khách hàng có thể cá nhân hóa chai hoặc lon Coca-Cola với tên gọi, biệt danh hoặc cụm từ yêu thích thông qua ứng dụng Coca-Cola hoặc mã QR trên bao bì.​ Coca-Cola đã tổ chức các điểm “Share a Coke” tại hơn 100 địa điểm bán lẻ ở Úc, nơi khách hàng có thể trực tiếp cá nhân hóa sản phẩm.​

Trong khi đó, Pepsi cho ra mắt chiến dịch “Your Bites, Your Rights” tại Mỹ Latinh, cho phép người tiêu dùng tạo ra món ăn lý tưởng kết hợp với Pepsi thông qua trí tuệ nhân tạo (AI). Người dùng nhập khẩu liệu về khẩu vị và chế độ ăn uống vào nền tảng AI để nhận công thức món ăn phù hợp.​ Chiến dịch cũng được chia sẻ mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội tập trung vào người tiêu dùng trẻ tuổi, thích sáng tạo.

5.2.  Shopee vs Lazada – Cuộc chiến sàn thương mại điện tử tại Đông Nam Á

  • Ngành hàng: Thương mại điện tử
  • Danh mục sản phẩm: các mặt hàng đa dạng bao gồm thời trang, điện tử, đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm, sách, thiết bị công nghệ, và các sản phẩm của nhà bán hàng nhỏ lẻ.
  • Khách hàng mục tiêu:

Shopee: Hướng đến người tiêu dùng trẻ, yêu thích mua sắm trực tuyến với các ưu đãi hấp dẫn, chủ yếu là những người có thu nhập trung bình và thấp.

Lazada: Tập trung vào những người tiêu dùng có thu nhập cao hơn, thường xuyên mua sắm trực tuyến và có nhu cầu cao về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm mua sắm mượt mà.

  • Các chiến dịch truyền thông:

Shopee: Chạy các chiến dịch giảm giá mạnh mẽ và các sự kiện “Shopee 11.11”, “12.12”, kết hợp với các ngôi sao nổi tiếng như các livestreams, phát sóng trực tiếp với ưu đãi khủng. Shopee cũng sử dụng quảng cáo qua các phương tiện truyền thông xã hội và kênh YouTube.

Lazada: Tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng thông qua các chương trình giảm giá hàng tháng và cải tiến dịch vụ giao hàng. Lazada cũng tổ chức các sự kiện lớn tương tự như “Lazada 11.11” và hợp tác với các đối tác ngân hàng để cung cấp các ưu đãi thanh toán.

5.3. Apple vs Samsung – Cuộc đua smartphone

  • Ngành hàng: Công nghệ – Smartphone
  • Chiến lược truyền thông:

Apple và Samsung đã liên tục cạnh tranh trong ngành điện thoại thông minh với chiến lược cải tiến công nghệ, thiết kế và tính năng sản phẩm. Samsung luôn đi đầu trong việc đưa ra các tính năng mới như màn hình cong, camera với độ phân giải cao, trong khi Apple giữ vững chiến lược bảo mật và trải nghiệm người dùng tối ưu.

Samsung cũng liên tục đưa ra các mẫu điện thoại với giá cả phải chăng hơn, trong khi Apple giữ vững giá trị thương hiệu cao cấp.

Kết quả: Apple dẫn đầu về lợi nhuận nhờ vào chiến lược giá cao và chất lượng sản phẩm, trong khi Samsung vẫn duy trì thị phần lớn nhờ vào sự đa dạng và tính linh hoạt trong các dòng sản phẩm

6. Những lưu ý khi phân tích đối thủ cạnh tranh

6.1. Thực hiện thường xuyên

Bởi các đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ không ngừng phát triển, mở rộng theo thời gian, do đó việc tập hợp các thông tin dữ liệu về đối thủ sẽ phải được thực hiện trong một khoảng thời gian dài và được liên tục cập nhật khi các đối thủ có sự thay đổi hoặc có đối thủ mới gia nhập “đường đua”. 

6.2. Theo dõi xuyên suốt chặng đường của đối thủ

Khi xem xét các dữ liệu về các đối thủ cạnh tranh, hãy chú ý tìm hiểu các doanh nghiệp đã phát triển hoặc suy thoái như thế nào theo thời gian, thay vì sai lầm đi nghiên cứu các phương thức mà họ sử dụng tại một thời điểm cố định.

6.3. Có định hướng từ đầu

Nếu doanh nghiệp thiếu định hướng trong khi tổng hợp các phân tích cạnh tranh và không có mục tiêu sau cùng rõ ràng, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi số lượng thông tin, dữ liệu mà bạn phải khai thác, tiếp cận vô cùng lớn, do đó bạn phải thật lưu ý để không đi chệch hướng. 

6.4. Đánh giá dựa trên số liệu

Khi thực hiện các phân tích về đối thủ cạnh tranh, các con số, bảng biểu vô cùng quan trọng. Thay vì thực hiện báo cáo dựa trên những điều bạn “nghĩ” một cách cảm tính, hãy dựa trên những điều mà dữ liệu “nói”. 

6.5. Đầu tư vào chất lượng thông tin

Nếu bạn thật sự đầu tư nghiêm túc vào những thông tin chất lượng, nó sẽ giúp bạn đơn giản hóa quá trình thu thập dữ liệu khi phân tích đối thủ cạnh tranh. Và từ đó rút ra những kết luận chính xác và nhanh chóng.

Kết luận

Cũng như câu nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, việc phân tích đối thủ cạnh tranh cũng vô cùng quan trọng quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp. Hiểu biết sâu sắc về đối thủ cạnh tranh, tập trung vào sự cạnh tranh hiện tại và tiềm năng của doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp trang bị tốt hơn để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các mối đe dọa từ các đối thủ trên thị trường. Bằng cách đó, đảm bảo rằng bạn đang đi trước một bước so với đối thủ.

Hy vọng rằng thông qua những kiến thức mà MISA AMIS vừa chia sẻ, việc thực hiện hiện phân tích đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp bạn sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. MISA AMIS chúc các bạn thành công!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 4.3]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA