6 bước trong quy trình tuyển dụng công chức nhà nước (Cập nhật 2025)

09/09/2021
5337

Công chức được hiểu là những người làm việc trực tiếp cho các cơ quan nhà nước. Để trở thành công chức nhà nước, ứng viên cần trải qua quy trình tuyển dụng công chức với nhiều vòng thi tuyển nghiêm ngặt. Đây là quá trình nhằm chọn lọc những cá nhân có năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc trong các cơ quan nhà nước. Vậy trình tự tuyển dụng công chức gồm những bước nào? Các phần thi diễn ra ra sao? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết quy trình tuyển dụng công chức trong bài viết dưới đây.

1. Tuyển dụng công chức nhà nước là gì?

Tuyển dụng công chức nhà nước là quá trình tuyển chọn cá nhân có đủ phẩm chất, năng lực để làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị – xã hội. Quy trình này thường được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh. Những người trúng tuyển sẽ trở thành công chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và phục vụ lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật.

2. Quy định tuyển dụng công chức nhà nước

Quy trình tuyển dụng công chức cần tuân thủ theo những cơ sở pháp lý cụ thể. Với những cơ sở này, cán bộ thực thi và người dân sẽ tường minh về quy trình tuyển dụng công chức. Có 3 cơ sở pháp lý được cân nhắc khi tuyển dụng công chức, bao gồm:

  • Luật cán bộ, công chức 2008 số 22/2008/QH12: Luật quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm thi hành công vụ.
  • Luật. 
  • Nghị định 24/2010/NĐ-CP: Nghị định quy định về quy trình tuyển dụng công chức, sử dụng và quản lý công chức.
  • Nghị định số 161/2018/NĐ-CP: Nghị định quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức,…

2. Điều kiện dự tuyển công chức nhà nước

Tất cả các đối tượng phù hợp với những điều kiện dưới đây đều có thể ứng tuyển công chức nhà nước. Các điều kiện này không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng hay tôn giáo.

  • Có quốc tịch Việt Nam.
  • Đang cư trú tại Việt Nam.
  • Có lý lịch rõ ràng.
  • Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm.
  • Nộp đơn đăng ký dự tuyển
  • Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
  • Đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng của vị trí công việc do đơn vị sự nghiệp công lập xác định.
  • Từ đủ 18 tuổi trở lên. Riêng người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực: văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi. Tuy nhiên, phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

3. Quy trình tuyển dụng công chức

Tương tự như quy trình tuyển dụng trong doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước cũng cần tuyển dụng và chiêu mộ nhân tài. Xây dựng quy trình tuyển dụng công chức chặt chẽ giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả tuyển chọn nhân sự, đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Quy trình này gồm các giai đoạn chính như sau:

quy trình tuyển dụng công chức

Bước 1: Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển công chức

Cơ quan có thẩm quyền phải công khai thông báo tuyển dụng ít nhất một lần trên báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, đồng thời đăng trên cổng thông tin điện tử và niêm yết tại trụ sở làm việc.

Thông báo tuyển dụng cần nêu rõ số lượng biên chế cần tuyển, vị trí việc làm, tiêu chuẩn dự tuyển, thời gian, địa điểm nộp hồ sơ, hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển. Nếu có thay đổi nội dung, phải công khai trước khi kỳ tuyển dụng bắt đầu.

Ứng viên nộp Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu quy định, trực tiếp tại địa điểm tiếp nhận, qua bưu chính hoặc qua cổng thông tin điện tử của cơ quan tuyển dụng. Thời gian nhận Phiếu đăng ký kéo dài 30 ngày kể từ khi thông báo được công khai.

Bước 2: Tổ chức thi tuyển

Hội đồng tuyển dụng công chức được thành lập bởi người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền, gồm 5 hoặc 7 thành viên. Hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số với nhiệm vụ thành lập các ban hỗ trợ tuyển dụng, tổ chức thi tuyển, chấm thi, giải quyết khiếu nại và báo cáo kết quả. Không bố trí người có quan hệ gia đình với thí sinh vào Hội đồng.

Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển được thành lập trong vòng 5 ngày sau khi Hội đồng tuyển dụng ra quyết định. Nếu thí sinh không đủ điều kiện, Hội đồng phải thông báo bằng văn bản trong vòng 5 ngày kể từ khi kiểm tra xong.

Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung

  • Hình thức: Thi trắc nghiệm trên máy tính hoặc trên giấy nếu chưa có điều kiện.

  • Nội dung:

    • Phần I: Kiến thức chung (60 câu, 60 phút).

    • Phần II: Ngoại ngữ (30 câu, 30 phút).

    • Phần III: Tin học (30 câu, 30 phút).

  • Miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có bằng chuyên ngành ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp từ nước ngoài.

  • Miễn thi tin học cho thí sinh có bằng từ trung cấp trở lên về công nghệ thông tin.

  • Thí sinh phải đạt tối thiểu 50% số câu đúng ở từng phần để vào vòng 2.

Vòng 2: Thi nghiệp vụ chuyên ngành

  • Hình thức: Phỏng vấn (30 phút), viết (180 phút) hoặc kết hợp cả hai.

  • Nội dung: Kiến thức chuyên ngành, kỹ năng thực thi công vụ theo vị trí ứng tuyển.

  • Thang điểm: 100 điểm, nếu kết hợp phỏng vấn và viết thì tỷ lệ điểm do Hội đồng quyết định.

Bước 3: Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức 

Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải đáp ứng hai điều kiện chính.

Thứ nhất, điểm thi vòng 2 phải đạt từ 50 trở lên, trong trường hợp thi kết hợp phỏng vấn và viết, thí sinh bắt buộc phải tham gia đầy đủ cả hai hình thức này.

Thứ hai, tổng điểm vòng 2 sau khi cộng với điểm ưu tiên (nếu có) sẽ được xét theo thứ tự từ cao xuống thấp, đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí.

Trong trường hợp có hai hoặc nhiều thí sinh có tổng điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, người có điểm vòng 2 cao hơn sẽ được ưu tiên trúng tuyển. Nếu vẫn không thể xác định, cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, thí sinh không trúng tuyển sẽ không được bảo lưu kết quả cho các kỳ thi tuyển công chức sau này.

Ứng viên thuộc một trong các nhóm đối tượng sau sẽ được cộng thêm điểm ưu tiên vào kết quả vòng 2 của quy trình tuyển dụng công chức nhà nước:

Số điểm ưu tiên

Đối tượng cụ thể

Cộng 7,5 điểm Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B.
Cộng 5,0 điểm Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên (hiện hành chỉ yêu cầu là quân nhân chuyên nghiệp), người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động.
Cộng 2,5 điểm Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong

Bước 4: Thông báo kết quả tuyển dụng công chức

Sau khi hoàn tất chấm thi vòng 2, trong vòng 5 ngày làm việc, Hội đồng tuyển dụng phải báo cáo kết quả lên người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền để xem xét và phê duyệt.

Sau khi có quyết định phê duyệt, trong vòng 10 ngày, Hội đồng tuyển dụng cần công khai kết quả trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tuyển dụng và gửi thông báo trúng tuyển bằng văn bản đến từng thí sinh. Thông báo này phải nêu rõ thời hạn để người trúng tuyển đến hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng.

Bước 5: Hoàn thiện hồ sơ của người trúng tuyển

Người trúng tuyển phải đến cơ quan tuyển dụng trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận thông báo để hoàn thiện hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

  • Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm và giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).
  • Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp.
  • Trường hợp bằng tốt nghiệp đã tích hợp chuẩn đầu ra ngoại ngữ hoặc tin học theo yêu cầu, hoặc thuộc diện miễn thi ngoại ngữ, tin học, thì không cần nộp chứng chỉ liên quan.

Trường hợp không hoàn thiện hồ sơ đúng hạn hoặc phát hiện gian lận trong khai báo, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ, kết quả trúng tuyển sẽ bị hủy. Nếu có hành vi gian lận, thông tin vi phạm sẽ được công khai và cá nhân đó không được đăng ký dự tuyển trong kỳ tuyển dụng tiếp theo.

Bước 6: Quyết định tuyển dụng và nhận việc 

Trong 15 ngày kể từ khi người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ, cơ quan tuyển dụng sẽ ra quyết định tuyển dụng và gửi đến người trúng tuyển.

Trong 30 ngày từ khi nhận quyết định, người được tuyển dụng phải đến nhận việc, trừ khi có quy định khác hoặc được gia hạn. Nếu người được tuyển không đến nhận việc đúng hạn, quyết định tuyển dụng sẽ bị hủy bỏ.

Xét tuyển bổ sung:

  • Nếu có trường hợp bị hủy kết quả trúng tuyển, cơ quan tuyển dụng có thể xét duyệt lại cho ứng viên có kết quả thấp hơn liền kề.
  • Nếu có nhiều người cùng mức điểm thấp hơn liền kề, việc quyết định trúng tuyển sẽ được thực hiện theo quy định tương ứng với hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.
quy trình tuyển dụng công chức
Công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước – Ảnh: Nguyễn Đông – VnExpress

3. Một số lưu ý trong quy trình tuyển dụng công chức

Chi phí tham gia kỳ thi tuyển công chức được quy định theo số lượng thí sinh đăng ký dự thi, cụ thể như sau:

  • 300.000 đồng/thí sinh/lần thi: Nếu có từ 500 thí sinh trở lên.

  • 400.000 đồng/thí sinh/lần thi: Nếu có từ 100 đến dưới 500 thí sinh.

  • 500.000 đồng/thí sinh/lần thi: Nếu có dưới 100 thí sinh.

  • Phúc khảo: 150.000 đồng/bài thi.

Thí sinh cần tuân thủ các thời hạn ở từng bước trong quy trình tuyển dụng để đảm bảo quyền lợi và tránh ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển. Thí sinh có quyền khiếu nại hoặc tố cáo nếu phát hiện sai phạm trong quá trình tuyển dụng. Nếu có nhu cầu phúc khảo bài thi, thí sinh phải nộp đơn trong thời gian quy định và đóng phí phúc khảo theo quy định.

4. Kết luận

Nắm rõ quy trình tuyển dụng công chức giúp ứng viên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tăng cơ hội thành công trong kỳ thi tuyển dụng. Việc trở thành công chức không chỉ là đạt được vị trí làm việc trong cơ quan nhà nước mà còn đi kèm với trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và phục vụ nhân dân theo đúng tinh thần của Đảng và Nhà nước. Hy vọng rằng với những thông tin trên về thủ tục tuyển dụng công chức, các ứng viên có thể tự tin tham gia kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 4 Trung bình: 5]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực