9 cách vượt qua áp lực trong công việc

08/04/2025
18

Áp lực công việc đang trở thành ‘kẻ thù thầm lặng’ của nhiều người trong chúng ta. Bạn có thường xuyên rơi vào tình trạng: đầu óc căng như dây đàn vì deadline, tim đập nhanh mỗi khi sếp giao thêm việc, hay mất ngủ vì lo lắng về KPI chưa đạt? Áp lực không hẳn là xấu, nhưng nếu không biết cách kiểm soát, nó sẽ ‘ăn mòn’ sức khỏe và hiệu suất làm việc. Vậy làm thế nào để vượt qua áp lực trong công việc? Dưới đây là 9 cách thiết thực MISA AMIS gợi ý để bạn giải tỏa căng thẳng, tìm lại sự cân bằng.

vượt qua áp lực
Làm thế nào để vượt qua áp lực trong công việc

1. Lên danh sách những việc cần làm

Nhiều người đi làm thường cảm thấy áp lực và mệt mỏi không hẳn vì khối lượng công việc quá lớn, mà bởi họ không nắm rõ mình đang phải làm gì trước, làm gì sau. Khi công việc chồng chéo, không được hệ thống hóa, não bộ luôn trong trạng thái căng thẳng vì phải ghi nhớ quá nhiều thứ cùng lúc. Điều này dễ dẫn đến cảm giác loay hoay, thiếu kiểm soát và thường xuyên quên việc, từ đó tạo áp lực tâm lý kéo dài.

Việc liệt kê đầy đủ đầu việc sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn, biết rõ nên bắt đầu từ đâu và từng bước hoàn thành mọi thứ một cách hiệu quả hơn.

Hành động thiết thực:

✔ Sử dụng sổ tay hoặc ứng dụng ghi chú để tạo checklist.

✔ Ưu tiên 3 việc quan trọng nhất mỗi ngày.

✔ Dành 10 phút cuối ngày để cập nhật và điều chỉnh danh sách.

2. Chia sẻ công việc với đồng nghiệp và cấp trên

Khi phải ôm đồm quá nhiều việc hoặc gặp khó khăn trong quá trình xử lý, nhiều người có xu hướng im lặng và tự mình gánh vác. Tuy nhiên, sự ôm đồm này còn khiến áp lực tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chung.

Việc chia sẻ kịp thời với đồng nghiệp hoặc cấp trên là cần thiết, giúp bạn nhận được sự hỗ trợ phù hợp và tạo cơ hội để nhìn nhận vấn đề từ góc độ khác, tìm ra cách giải quyết hiệu quả hơn. Hơn nữa, chia sẻ cũng giúp xây dựng sự tin tưởng và gắn kết trong tập thể, làm việc trở nên bớt căng thẳng hơn rất nhiều.

Gợi ý hành động:

✔ Chủ động báo cáo tiến độ và vướng mắc với cấp trên.

✔ Đề nghị phân chia lại công việc nếu cảm thấy quá tải.

✔ Hỏi ý kiến đồng nghiệp khi gặp tình huống khó hoặc thiếu kinh nghiệm.

vượt qua áp lực
Trao đổi với đồng nghiệp, cấp trên để giảm áp lực

3. Sắp xếp công việc thông minh

Không phải lúc nào làm việc chăm chỉ cũng mang lại hiệu quả — nhiều người vẫn cảm thấy “bận rộn cả ngày mà chẳng xong việc” vì không biết cách sắp xếp công việc hợp lý. Khi không có chiến lược ưu tiên, bạn dễ bị cuốn vào các nhiệm vụ nhỏ lẻ, khẩn cấp mà quên mất việc quan trọng cần hoàn thành. Sắp xếp công việc một cách thông minh giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả hơn, giảm áp lực và đảm bảo tiến độ công việc. 

Một số giải pháp:

✔ Phân loại công việc theo mức độ khẩn cấp – quan trọng (ma trận Eisenhower)

✔ Không để bản thân bị sao nhãng bởi các yếu tố khác.

✔ Dành thời gian buổi sáng cho những việc cần tập trung cao độ.

4. Hoàn thành từng phần việc đúng thời hạn

Nhiều người thường xuyên rơi vào tình trạng làm việc sát deadline, chỉ bắt đầu khi thời hạn đã cận kề. Áp lực thời gian dễ khiến công việc hoàn thành với chất lượng không tốt. Về lâu dài, vòng xoáy “nước đến chân mới nhảy” này tạo ra sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thay vào đó, nếu chủ động chia nhỏ đầu việc và hoàn thành từng phần theo mốc thời gian cụ thể, bạn sẽ duy trì được nhịp độ làm việc đều đặn, cảm thấy kiểm soát tốt hơn và giảm thiểu áp lực dồn dập vào phút chót. Đây cũng là cách giúp bạn cải thiện tính kỷ luật.

Vượt qua áp lực công việc bằng cách nghiêm túc hoàn thành từng phần: 

✔ Đặt deadline cho bản thân sớm hơn thời hạn chính thức.

✔ Sắp xếp các đầu việc theo thời gian cần hoàn thành.

✔ Sử dụng các công cụ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ.

Giải pháp HRM giảm tải công việc cho nhà quản lýTìm hiểu ngay!

5. Kiểm soát áp lực từ chính mình

Một số người không chỉ chịu áp lực từ công việc mà còn tự tạo thêm áp lực từ chính bản thân mình. Họ đặt ra kỳ vọng quá cao, tự so sánh với người khác, luôn cảm thấy chưa đủ tốt dù đã nỗ lực rất nhiều.

Thậm chí, khi đã hoàn thành công việc đúng hạn và đạt kết quả tốt, họ vẫn tự trách mình vì “lẽ ra có thể làm tốt hơn”. Căng thẳng tích tụ âm thầm, dễ dẫn đến mất động lực hoặc kiệt sức. Để kiểm soát áp lực nội tâm, bạn cần học cách ghi nhận sự cố gắng của bản thân, đặt mục tiêu hợp lý và cho phép mình có những khoảng nghỉ cần thiết để tái tạo năng lượng.

Gợi ý vượt qua áp lực từ chính mình:

✔ Ghi nhận sự thay đổi của bản thân so với trước đó.

✔ Không nên quá cầu toàn, cần hiểu rằng mọi việc đều không hoàn hảo.

✔ Hạn chế so sánh bản thân với người khác, hãy tập trung vào điểm mạnh và kết quả tích cực của bản thân.

6. Duy trì vận động và ăn uống lành mạnh

Duy trì vận động và ăn uống lành mạnh là cần thiết cho sức khỏe thể chất, đặc biệt còn góp phần cân bằng tinh thần, giảm áp lực trong công việc. Nhiều người khi bận rộn thường bỏ bữa, uống nhiều cà phê hoặc ngồi làm việc liên tục trong nhiều giờ, dễ khiến cơ thể mệt mỏi và tâm trạng căng thẳng hơn.

Thay vào đó, một chế độ ăn lành mạnh, uống đủ nước sẽ đảm bảo sức khỏe để làm việc. Tham gia các hoạt động thể dục, thể thao đều đặn hàng tuần sẽ tác động tích cực đến thể chất và tinh thần.

Lời khuyên cho bạn:

✔ Dành 5 – 10 phút giữa buổi làm việc để vận động nhẹ.

✔ Mỗi ngày dành ra 30-60 phút cho các hoạt động thể dục, thể thao ngoài giờ làm.

✔ Ăn đủ bữa, đủ chất và đúng giờ, không nên bỏ bữa để làm việc.

vượt qua áp lực
Ăn uống lành mạnh giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần

7. Cho bản thân nghỉ ngơi khi cần

Trong guồng quay công việc dày đặc, nhiều người có xu hướng ép bản thân phải luôn “năng suất”, ngay cả khi đã mệt mỏi hay không còn tập trung. Tuy nhiên, cơ thể và tinh thần đều có giới hạn. Nếu bạn không cho phép mình nghỉ ngơi đúng lúc, hiệu suất sẽ giảm sút và cảm giác căng thẳng sẽ tích tụ lâu dài. Việc nghỉ ngơi không có nghĩa là lười biếng, đó là một phần quan trọng giúp tái tạo năng lượng, duy trì sự sáng suốt và cân bằng trong công việc.

Cách dành thời gian nghỉ ngơi:

✔ Ngắt kết nối khỏi công việc sau giờ làm, đặc biệt vào cuối tuần.

✔ Ngủ đủ giấc, hạn chế làm việc quá khuya.

✔ Tự thưởng cho bản thân một buổi nghỉ ngơi khi hoàn thành mục tiêu.

8. Học cách từ chối

Rất nhiều người gặp áp lực trong công việc không chỉ vì khối lượng công việc lớn, mà còn do không biết cách từ chối những yêu cầu phát sinh ngoài khả năng. Việc luôn cố gắng “làm hài lòng” mọi người dễ khiến bạn ôm đồm quá mức, mất kiểm soát thời gian và năng lượng. Tìm cách từ chối đúng lúc, lịch sự nhưng dứt khoát, là một kỹ năng quan trọng giúp bạn bảo vệ giới hạn cá nhân và duy trì hiệu suất lâu dài.

Cách hạn chế quá tải:

✔ Xác định rõ khối lượng công việc hiện tại trước khi nhận thêm việc mới.

✔ Tập luyện cách từ chối lịch sự nhưng rõ ràng

✔ Thảo luận với quản lý nếu thường xuyên bị giao thêm việc không phù hợp năng lực hoặc quá tải.

9. Thử những cách thức và góc nhìn mới

Khi bạn cảm thấy bế tắc hoặc áp lực vì công việc không tiến triển, có thể nguyên nhân không nằm ở bạn – mà ở cách bạn đang làm. Việc cố gắng lặp lại một cách tiếp cận cũ trong khi kết quả vẫn không như mong muốn chỉ khiến bạn thêm căng thẳng. Đôi khi, điều bạn cần là “đổi gió”: thay đổi góc nhìn, cách làm việc, hoặc thậm chí là không gian làm việc. Thử một phương pháp mới, hỏi ý kiến đồng nghiệp, hoặc đơn giản là nghỉ 5 phút để lấy lại tinh thần – tất cả đều có thể mở ra hướng đi hiệu quả hơn.

Một số cách đổi mới góc nhìn:

✔ Thay đổi không gian làm việc (đổi chỗ ngồi, ra quán cà phê, làm việc ngoài trời).

✔ Trao đổi với đồng nghiệp, người giàu kinh nghiệm để nhận góp ý.

✔ Đọc sách, nghe podcast về các chủ đề liên quan đến công việc.

vượt qua áp lực
Thay đổi chỗ ngồi, không gian làm việc giúp tinh thần phấn chấn hơn

Mỗi người có một cơ chế riêng để đối phó với căng thẳng, nhưng việc chủ động áp dụng những cách vượt qua áp lực như trên phần nào sẽ giúp bạn giữ vững tinh thần, cân bằng công việc và cuộc sống. Điều quan trọng là bạn hiểu rõ bản thân và chọn lựa phương pháp phù hợp. Đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên khác biệt lớn. Hãy kiên trì rèn luyện thói quen tốt để áp lực không còn là gánh nặng.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực