Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ – là công cụ kế toán dùng để quản lý nguồn vốn dành cho các hoạt động R&D. Bài viết dưới đây MISA AMIS sẽ hướng dẫn chi tiết cách hạch toán Tài khoản 356, đồng thời đưa ra những lưu ý quan trọng để doanh nghiệp quản lý quỹ hiệu quả hơn.
1. Tài khoản 356 là gì?
Tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là một tài khoản dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (PTKH&CN) của doanh nghiệp. Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư khoa học, công nghệ tại Việt Nam. Đây là quỹ tài chính có tính chất bắt buộc đối với một số loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối.
Mục tiêu của quỹ này là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ hiện đại.
2. Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 356
Việc kế toán Tài khoản 356-Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng sau:
- Quỹ PTKH&CN được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ. Việc trích lập và sử dụng Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Quỹ PTKH&CN để tài trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, số tiền thu được khi bán sản phẩm sản xuất thử được bù trừ với chi phí sản xuất thử theo nguyên tắc:
- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử được ghi tăng Quỹ PTKH&CN;
- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử thấp hơn chi phí sản xuất thử được ghi giảm Quỹ PTKH&CN.
- Định kỳ, doanh nghiệp lập Báo cáo về mức trích, sử dụng, quyết toán Quỹ PTKH&CN và nộp cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 356
Kết cấu tài khoản 356- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ | |
Bên Nợ | Bên Có |
– Các khoản chi tiêu từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
– Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành tài sản cố định (TSCĐ) khi tính hao mòn TSCĐ; giá trị còn lại của TSCĐ khi nhượng bán, thanh lý; chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. – Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ khi TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh. |
Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
– Số thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ. |
Số dư bên Có: Số quỹ phát triển khoa học và công nghệ hiện còn của doanh nghiệp. |
Tài khoản 356 được phân tách thành 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3561 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Dùng để phản ánh số quỹ hiện có và tình hình trích lập, các khoản chi tiêu quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Tài khoản 3562 – Tài sản cố định hình thành từ Quỹ phát triển KH&CN: Dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ (quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ).
4. Phương pháp hạch toán một số nghiệp vụ chủ yếu
Để đảm bảo việc quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (TK 356) minh bạch, đúng mục đích, doanh nghiệp cần thực hiện hạch toán kế toán theo đúng chuẩn mực. Dưới đây là các nghiệp vụ phổ biến và cách ghi nhận:
a) Hạch toán khi trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Khi doanh nghiệp quyết định trích lập quỹ trong năm từ chi phí quản lý doanh nghiệp:
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
b) Hạch toán khi sử dụng Quỹ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển
Khi doanh nghiệp chi từ quỹ cho các hoạt động ghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp:
Nợ TK 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331… (tùy theo hình thức thanh toán)
c) Hạch toán khi sử dụng quỹ cho sản xuất thử nghiệm
- Kế toán tập hợp chi phí sản xuất tập hợp chi phí sản xuất thử:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 152, 331…
- Khi bán sản phẩm sản xuất thử:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (nếu có)
- Hạch toán chênh lệch giữa chi phí và doanh thu sản phẩm thử nghiệm:
- Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi tăng Quỹ PTKH&CN:
Nợ TK 154
Có TK 356 – Quỹ phát triển KH&CN
-
- Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử nhỏ hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi ngược lại bút toán trên:
Nợ TK 356 – Quỹ phát triển KH&CN
Có TK 154
d) Hạch toán khi đầu tư mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) bằng quỹ
- Ghi nhận đầu tư mua sắm TSCĐ:
Nợ TK 211, 213 – Nguyên giá TSCĐ
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331…
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 3561 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Có TK 3562 – Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ.
- Cuối kỳ, tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ:
Nợ TK 3562 – TSCĐ hình thành từ Quỹ
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ
- Khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ:
- Ghi giảm TSCĐ khi thanh lý, nhượng bán:
Nợ TK 3562 – Quỹ hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ
Có các TK 211, 213
-
- Ghi nhận số tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 3561 – Quỹ phát triển KH&CN
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
-
- Ghi nhận chi phí liên quan đến thanh lý TSCĐ:
Nợ TK 3561 – Quỹ phát triển KH&CN
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331
- Khi kết thúc quá trình nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sang phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi:
Nợ TK 3562 – Quỹ hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Có TK 711 – Thu nhập khác
Lưu ý: Sau khi TSCĐ được chuyển sang mục đích sản xuất kinh doanh, phần hao mòn sẽ được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp như các tài sản cố định thông thường.
5. Sơ hồ hạch toán tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ:
Dưới đây là sơ đồ chữ T hướng dẫn hạch toán tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ:
6. Lưu ý khi sử dụng Tài khoản 356 trong doanh nghiệp
Việc quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (TK 356) không chỉ đơn thuần là nghiệp vụ kế toán, mà còn liên quan chặt chẽ đến quy định pháp luật và chiến lược đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Do đó, khi thực hiện, các doanh nghiệp cần lưu ý những điểm quan trọng sau:
- Tuân thủ quy định pháp luật: Việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN phải tuân thủ theo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, Thông tư 12/2016/TT-BKHCN và các văn bản hướng dẫn liên quan. Quỹ chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ trong nội bộ doanh nghiệp. Nếu sử dụng sai mục đích, doanh nghiệp có thể bị buộc nộp lại phần quỹ chưa sử dụng và chịu xử phạt hành chính.
- Quản lý hồ sơ và chứng từ đầy đủ: Mỗi khoản chi từ quỹ cần phải có hồ sơ đầy đủ, chứng từ hợp lệ, bao gồm: quyết định sử dụng quỹ, hợp đồng, hóa đơn, biên bản nghiệm thu,…
- Báo cáo và quyết toán quỹ định kỳ: Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo tình hình trích lập, sử dụng và quyết toán Quỹ phát triển KH&CN hàng năm với cơ quan có thẩm quyền
- Theo dõi chi tiết từng nội dung sử dụng quỹ: Tài khoản 356 nên được theo dõi chi tiết theo từng nội dung: trích lập, chi tiêu, hình thành tài sản, và chuyển đổi mục đích sử dụng.
Kết luận
Tài khoản 356 đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh và kiểm soát nguồn vốn phục vụ hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Việc hạch toán chính xác không chỉ giúp minh bạch tài chính, mà còn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành.
Để tối ưu hóa quy trình kế toán và quản trị quỹ hiệu quả, doanh nghiệp có thể ứng dụng phần mềm kế toán online MISA AMIS – một giải pháp số toàn diện được tin dùng bởi hàng trăm nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam.
Một số tính năng nổi bật của phần mềm kế toán online MISA AMIS:
- Tự động hạch toán các nghiệp vụ kinh tế, bao gồm cả TK 356 theo đúng chuẩn chế độ kế toán.
- Kết nối dữ liệu thời gian thực giữa kế toán tổng hợp – kế toán chi tiết – kế toán quản trị.
- Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác
- Tích hợp hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử, và phần mềm bán hàng giúp đồng bộ dữ liệu kế toán.
- Cho phép làm việc mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng web và mobile, bảo mật cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trải nghiệm ngay phần mềm kế toán online MISA AMIS để tiết kiệm thời gian, giảm sai sót và nắm bắt tình hình tài chính doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi.