Theo báo cáo từ Gartner, đến năm 2025, hơn 70% doanh nghiệp toàn cầu sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa quy trình vận hành, tối ưu chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Riêng tại Việt Nam, khảo sát của IDC cũng cho thấy gần 50% doanh nghiệp đã và đang triển khai AI trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ, sản xuất, logistics, giáo dục,..
Sự thay đổi này cho thấy AI không chỉ đơn thuần là xu hướng, mà đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi cách thức vận hành để tồn tại và phát triển bền vững trong thời đại mới.
Từ ‘làn sóng ngầm’ trở thành xu hướng chủ đạo
Trong những năm 2010, trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu âm thầm thâm nhập vào đời sống và kinh doanh với vai trò là một công nghệ mới mẻ nhưng đầy hứa hẹn.
Đây là giai đoạn mà AI không còn chỉ nằm trong các phòng thí nghiệm hay nghiên cứu lý thuyết, mà dần xuất hiện trong các sản phẩm và dịch vụ thường ngày như trợ lý ảo Siri của Apple (2011), hệ thống tự lái Autopilot của Tesla (2015), hay AlphaGo của Google đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới (2016).
Thời điểm đó, dù có những bước đi đột phá nhưng AI vẫn là khái niệm xa lạ với đa số đại chúng, đặc biệt tại Việt Nam. Mọi người có thể nghe đến trợ lý ảo Siri hay hệ thống xe tự lái nhưng chỉ coi đó là những tiến bộ công nghệ riêng lẻ. Không nhiều người biết về nền móng tạo nên những phát minh đó chính là AI.
Thời điểm diễn ra tình huống khẩn cấp toàn cầu là dịch Covid-19, AI đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch, nhưng vẫn không được nhiều người biết đến.
Sự kiện ChatGPT (OpenAI) ra mắt và tiếp cận người dùng toàn cầu năm 2022 đánh dấu cột mốc AI chính thức trở thành chủ đề “top trending” trên mọi mặt trận truyền thông. Từ đó, người ta bắt đầu cảm nhận rõ rệt được làn sóng AI đang cuộn trào và thay đổi cuộc sống như thế nào.
AI đang thay đổi cách vận hành mọi ngành nghề như thế nào?
Từ một làn sóng ngầm được cho là viễn cảnh xa vời trong tương lai, AI đang phát triển và lan rộng với một tốc độ khiến dân tình có phần “choáng váng”.
Từ hỗ trợ sáng tạo nội dung, tối ưu hoá trải nghiệm dịch vụ, cho đến chẩn đoán y khoa, quản lý chuỗi cung ứng, đô thị, kho bãi, giao thông vận tải,.. AI thực sự đã len lỏi vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, cũng như cuộc sống con người.
1. Bán lẻ, bán buôn, thương mại điện tử
-
Phân tích hành vi khách hàng: Dự đoán nhu cầu, đề xuất sản phẩm cá nhân hóa, tối ưu hóa quảng cáo.
-
Chatbot & trợ lý ảo: Tư vấn khách hàng, hỗ trợ đặt hàng tự động 24/7.
-
Quản lý tồn kho thông minh: AI dự báo hàng hóa, tối ưu hóa việc nhập hàng, giảm chi phí tồn kho.
-
Tối ưu hóa giá cả: Điều chỉnh giá theo thời gian thực dựa vào hành vi mua hàng và cạnh tranh thị trường.
Tiên phong trong lĩnh vực này, Amazon đã triển khai hơn 750.000 robot AI trong các kho hàng, giúp giảm 25% chi phí thực hiện đơn hàng và dự kiến tiết kiệm tới 10 tỷ USD mỗi năm vào 2030.
Tại Việt Nam, MISA tích hợp trợ lý ảo vào hệ thống phần mềm quản trị MISA AMIS, giúp các khách hàng doanh nghiệp trích xuất báo cáo tự động, dự báo bán hàng, hỗ trợ xây dựng chiến lược và tối ưu kinh doanh.
Theo báo cáo “Sizing the Prize” của PwC, AI có thể đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu đến năm 2030, trong đó bán lẻ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhờ tự động hóa và cá nhân hóa.
2. Dịch vụ, du lịch
- Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng: Đề xuất dịch vụ, sản phẩm phù hợp dựa trên sở thích cá nhân.
- Chatbot chăm sóc khách hàng: Tự động trả lời các yêu cầu đặt phòng, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng.
- Phân tích phản hồi khách hàng: Sử dụng AI phân tích đánh giá để cải thiện dịch vụ.
- Tối ưu hóa doanh thu: Điều chỉnh giá phòng, dịch vụ linh hoạt theo nhu cầu thị trường.
Các lĩnh vực có hoạt động giao dịch chủ yếu qua internet sẽ không thể đứng ngoài lâu trước làn sóng AI.
Vietnam Airlines đã nhận thức được tiềm năng của AI trong việc tối ưu hóa hoạt động, như quản lý đội tàu bay và tối ưu hóa lịch trình bay, nhằm giảm chi phí vận hành.
3. Sản xuất, logistics
- Tự động hóa sản xuất: Robot AI quản lý dây chuyền sản xuất, giám sát chất lượng và tăng năng suất.
- Dự báo nhu cầu và quản lý chuỗi cung ứng: AI phân tích dữ liệu giúp tối ưu hóa tồn kho, giảm chi phí.
- Bảo trì dự đoán (Predictive maintenance): Theo dõi tình trạng máy móc, dự báo và giảm sự cố sản xuất.
- Tối ưu hóa lộ trình giao hàng: AI phân tích các tuyến đường để giảm chi phí logistics và thời gian giao hàng.
“Siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc giảm 95% thời gian vận chuyển trong kho nhờ áp dụng công nghệ AI tiên tiến vào hệ thống logistics. VinFast cũng đã áp dụng AI trong thiết kế sản phẩm, quản lý chuỗi cung ứng và tối ưu hóa quy trình sản xuất ô tô.
4. Giáo dục, đào tạo
- Học tập cá nhân hóa: AI điều chỉnh nội dung và lộ trình học tập theo năng lực từng học viên.
- Tự động hóa đánh giá và phản hồi: Hệ thống AI tự chấm điểm, cung cấp phản hồi tức thì.
- Trợ lý giảng dạy AI: Chatbot hỗ trợ giải đáp thắc mắc, hướng dẫn học viên 24/7.
- Phân tích dữ liệu học viên: Dự báo kết quả học tập, phát hiện sớm các vấn đề cần hỗ trợ.
Đại học RMIT đã triển khai Val, một trợ lý học tập ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên nền tảng GPT-4o của OpenAI, nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu.
FPT cũng ra mắt VioEdu, trợ lý giáo dục thông minh sử dụng AI, cung cấp hơn 1 triệu học liệu hỗ trợ học sinh tìm hiểu kiến thức một cách cá nhân hoá. VioEdu đã thu hút hơn 20 triệu người dùng, với khoảng 1/3 học sinh Việt Nam biết đến và sử dụng nền tảng này để tự học.
5. Chăm sóc sức khoẻ
- Chẩn đoán bệnh bằng AI: Phân tích hình ảnh y khoa, xét nghiệm nhanh chóng và chính xác.
- Telemedicine (khám bệnh từ xa): AI hỗ trợ bác sĩ tương tác, tư vấn, điều trị từ xa cho bệnh nhân.
- Robot hỗ trợ y tế: Robot AI vận chuyển thuốc, dụng cụ, khử khuẩn, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân.
- Dự báo và quản lý dịch bệnh: AI phân tích dữ liệu để dự đoán các đợt dịch bệnh, hỗ trợ lập kế hoạch y tế cộng đồng.
Trong thời điểm dịch Covid-19, AI đã chứng minh hiệu quả của mình trong lĩnh vực y tế qua các nghiệp vụ dự báo và chẩn đoán dịch bệnh, truy vết tiếp xúc, hỗ trợ điều trị từ xa, truyền thông và cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, bệnh viện Bạch Mai cũng đã triển khai AI trong chẩn đoán hình ảnh, giúp phát hiện sớm các bệnh lý và nâng cao chất lượng điều trị.
6. Giao thông vận tải
- Quản lý giao thông thông minh: AI phân tích hình ảnh, phát hiện vi phạm, tối ưu hóa lưu lượng giao thông.
- Xe tự hành: Phương tiện giao thông tự động hoàn toàn hoặc bán tự động, giúp giảm tai nạn, tiết kiệm chi phí vận hành.
- Dự báo nhu cầu đi lại: AI hỗ trợ quản lý hiệu quả nguồn lực giao thông công cộng, giảm ùn tắc.
- Bảo trì đường sá: AI giám sát tình trạng đường sá, cầu đường, phát hiện nhanh các sự cố để xử lý kịp thời.
Viettel Solutions đã nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái Giao thông Thông minh (ITS) bao trùm từ giám sát, cung cấp thông tin, điều khiển giao thông đến quản lý sự cố, bãi đỗ xe và thanh toán vé điện tử.
Hệ sinh thái này được thiết kế nhằm tối ưu hóa hoạt động giao thông, nâng cao an toàn và hiệu quả cho các đô thị thông minh, hiện đã được triển khai tại các tỉnh/thành phố lớn như Hà Nội và Hải Phòng.
7. Tài chính, ngân hàng
- Định danh khách hàng điện tử (eKYC): AI nhận diện khuôn mặt, giảm thời gian và chi phí xác thực khách hàng.
- Phân tích rủi ro và gian lận: AI phát hiện các giao dịch bất thường, giảm nguy cơ gian lận tài chính.
- Cố vấn tài chính ảo: AI cung cấp các khuyến nghị đầu tư, quản lý tài sản cá nhân tự động.
- Phân tích tín dụng thông minh: Dự đoán khả năng trả nợ của khách hàng, hỗ trợ ra quyết định cấp tín dụng nhanh và chính xác.
Nhiều ngân hàng như Vietcombank, VPBank, Techcombank,.. áp dụng AI để giám sát và phát hiện các giao dịch bất thường nhằm ngăn chặn rủi ro lừa đảo hoặc xâm nhập tài khoản trái phép.
TPBank ứng dụng AI trong quy trình xét duyệt tín dụng và triển khai chatbot AI có tên T’Aio, hỗ trợ khách hàng 24/7 trong việc trả lời các câu hỏi về dịch vụ tài khoản, giao dịch, sản phẩm vay.
8. Công nghệ
- Phát triển phần mềm tự động: AI được sử dụng để tự động hóa các công đoạn lập trình, kiểm thử và sửa lỗi, giúp rút ngắn đáng kể chu kỳ phát triển phần mềm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
- An ninh mạng và phát hiện gian lận: AI phát hiện các hoạt động bất thường, nhận diện tấn công mạng ngay từ khi mới bắt đầu, đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin.
- Phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics): Hệ thống AI phân tích nhanh lượng dữ liệu khổng lồ, cung cấp thông tin chi tiết giúp doanh nghiệp công nghệ nắm bắt kịp thời các xu hướng thị trường và hành vi người dùng.
- Tương tác khách hàng bằng chatbot và trợ lý ảo thông minh: AI cải thiện tương tác với người dùng thông qua chatbot, giúp xử lý nhanh và hiệu quả các vấn đề kỹ thuật, chăm sóc khách hàng 24/7.
- Công nghệ nhận diện hình ảnh và giọng nói: Ứng dụng AI nhận diện khuôn mặt, xử lý hình ảnh, giọng nói, và văn bản nhằm phát triển các sản phẩm như trợ lý ảo, ứng dụng điều khiển bằng giọng nói, nhận diện người dùng trong thiết bị di động và an ninh.
Các “ông lớn” công nghệ Mỹ như Meta, Amazon, Alphabet và Microsoft dự kiến chi tổng cộng tới 320 tỷ USD cho các công nghệ AI và xây dựng trung tâm dữ liệu vào năm 2025.
Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA đều đã đầu tư nghiên cứu và tự phát triển công nghệ AI, đáp ứng đúng theo chủ trương làm chủ công nghệ AI của nước nhà.
Ứng dụng AI vào doanh nghiệp là khoản đầu tư đắt đỏ?
Đây là rào cản tâm lý lớn nhất đối với các chủ doanh nghiệp khi đứng trước cơn sóng AI. Nhận định này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, có nhiều phương thức khác nhau để ứng dụng AI vào doanh nghiệp, với mức chi phí linh hoạt theo nguồn lực:
Xây dựng hệ thống AI chuyên biệt:
- Nắm quyền kiểm soát cao và khả năng tuỳ chỉnh, “may đo” theo đặc thù riêng biệt của doanh nghiệp.
- Yêu cầu khoản đầu tư lớn và đội ngũ chuyên môn cao xây dựng và quản lý.
Tích hợp giải pháp AI từ các nhà cung cấp:
- Tối ưu quy trình vận hành, cải thiện hiệu suất nhân sự với mức chi phí dễ tiếp cận.
- Hạn chế về tuỳ chỉnh, sẽ khó đáp ứng 100% các nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp.
Sử dụng công cụ AI trả phí cho nghiệp vụ hàng ngày:
- Khoản đầu tư nhỏ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất nhân sự.
- Mỗi công cụ trả phí chỉ đáp ứng được nghiệp vụ nhất định, do đó sẽ phải sử dụng nhiều công cụ nếu có nhiều nhu cầu khác nhau.
Mời anh/chị bấm xem video dưới đây để tham khảo cách tra cứu công cụ AI cho các nghiệp vụ khác nhau, cũng như cập nhật liên tục những công cụ AI mới ra mắt.
Tổng kết
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành động lực then chốt trong cuộc chuyển đổi sâu sắc trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế – xã hội tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Từ bán lẻ, sản xuất, logistics, giáo dục đến tài chính và công nghệ, sự hiện diện của AI không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, mà còn mở ra những cơ hội hoàn toàn mới để đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.
Với những bước đi chủ động từ các doanh nghiệp và chủ trương chiến lược rõ ràng từ nhà nước, Việt Nam đang sẵn sàng nắm bắt thời cơ, đưa AI trở thành lợi thế cạnh tranh, góp phần quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2030.